Trao đổi với VnExpress ngày 25/2, TS Tuấn Bendixsen nói: "Đề xuất xóa bỏ nghi thức chém lợn giữa sân đình của chúng tôi đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đa số cộng đồng, nhưng ban tổ chức lễ hội truyền thống làng Ném Thượng vẫn tiến hành. Chúng tôi rất thất vọng".
Theo ông, việc giết những con lợn một cách dã man như vừa xảy ra không chỉ gây đau đớn cho những con vật mà còn làm trơ lì cảm xúc của những người chứng kiến, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh Việt Nam.
Sau hai năm khai đao cứa cổ rồi giết mổ trong khu vực riêng, mùa lễ hội 2015 dân làng Ném Thượng (TP Bắc Ninh) đã thực hiện nghi thức chém lợn giữa sân đình. Ảnh: Quý Đoàn.
Dù người dân Ném Thượng vẫn chém lợn ở sân đình, nhưng Trưởng đại diện tại Việt Nam của Tổ chức Động vật châu Á cho rằng, những góp ý của mình ít nhiều đã được dân làng tiếp thu. Bằng chứng là lễ hội năm nay có một số thay đổi tích cực như tình trạng chen lấn quết tiền vào máu lợn đã bị hạn chế, nhắc nhở.
Ông Tuấn nhắc lại quan điểm, lễ hội truyền thống làng Ném Thượng sẽ càng đẹp, văn minh và hoàn thiện hơn nếu loại bỏ phần nghi thức sử dụng động vật hiến tế theo cách tàn bạo, hoặc thay thế bằng hình thức tế lễ nhân văn khác. Tổ chức Động vật châu Á sẽ tiếp tục kêu gọi cộng đồng lên tiếng ủng hộ việc xóa bỏ nghi lễ chém lợn bởi những tác động tiêu cực của nó tới toàn xã hội.
"Chúng tôi sẽ kêu gọi các cơ quan chức năng xem xét, đánh giá lại những nghi lễ chém giết động vật và tác động của nó tới xã hội. Ngoài ra, chúng tôi sẽ xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt tại địa phương diễn ra lễ hội, nhằm thay đổi quan điểm của người dân trong việc coi động vật làm công cụ mua vui cho con người", ông Tuấn nói.
Trước đó năm 2013, Tổ chức Động vật châu Á đã gửi thư tới Bộ Văn hóa, Sở Văn hóa Bắc Ninh, bày tỏ lo ngại và phản đối lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (TP Bắc Ninh) vì hành vi tàn bạo với động vật và những ảnh hưởng tiêu cực tới người xem, đặc biệt là trẻ em.
Ghi nhận ý kiến này, 2 năm qua chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo và người dân Ném Thượng thay đổi tục xưa bằng khai đao cứa cổ lợn ở sân đình rồi đem vào giết mổ trong khu vực riêng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của cán bộ Tổ chức Động vật châu Á, vẫn còn nhiều người, trong đó có trẻ em chứng kiến được cảnh giết lợn này.
Ngày 27/1/2015, Tổ chức Động vật châu Á phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Trả lời trên VnExpress ngày 29/1, ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ Phúc lợi Động vật, Tổ chức Động vật châu Á gọi "Chém lợn ở Việt Nam là lễ hội tàn bạo nhất".
Đề xuất dừng lễ hội chém lợn của Tổ chức Động vật châu Á nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Phần đông bạn đọc cho rằng nên thay đổi nghi thức chém lợn giữa sân đình vì phản cảm. Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Đình Tân cũng khẳng định, Bộ không ủng hộ các lễ hội mang tính tàn bạo, hủ tục lạc hậu, đồng thời kêu gọi "không nên bảo thủ giữ tục chém lợn".
Trong khi đó, dân làng và phần đông nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng nghi thức hiến sinh này không phản cảm và nên tôn trọng ý nguyện cộng đồng để giữ bản sắc riêng của làng.
Quỳnh Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét